Nu Advisory (*) có cơ hội tuyệt vời được hỗ trợ Kinuko Masaki- nữ “khởi nghiệp gia” toàn cầu trong một ngày duy nhất bà lưu lại tại VN tháng 11 năm nay. Tạp chí Nữ Doanh Nhân vinh dự sắp xếp được cuộc phỏng vấn độc quyền và đây cũng là lần đầu tiên bà tiếp xúc với báo giới.
ĐỈNH CỦA ĐỈNH CÓ NHỮNG ĐÀN CHIM GỌI GIÓ
Bất kỳ phần nào của “profile” bà Kinuko (**) cũng đều trên cả tuyệt vời. “Người phụ nữ vàng của công nghệ” sở hữu nhiều bằng sáng chế của các công ty hàng đầu thế giới trong ngành “công nghệ thính giác” (hearing and hearing technologies), một số trong các bằng sáng chế này đang được thương mại hoá. Bà tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành EECS (tạm dịch “kỹ thuật điện và khoa học máy tính”), trường ĐH MIT danh tiếng của Hoa Kỳ. Ngành bà học được xếp hạng thứ nhất (***) trong hệ thống xếp hạng khoa học và khách quan của Mỹ. Ngoài “lò” ĐH MIT “top ten” của Hoa Kỳ, bà có thêm 10 năm nghiên cứu tiến sĩ có học bổng ngành y sinh (biomedical) của trường ĐH Havard với chuyên đề bom tấn: công nghệ tế bào gốc. Sau đó bà có thêm 4 năm sau tiến sĩ tại trường Stanford, một ĐH hot và khủng khác của Hoa Kỳ.
Sau 20 năm học thuật, nghiên cứu, giảng dạy, trò chuyện chuyên đề, 2 năm nay bà đã mở công ty khởi nghiệp tại San Francisco, Hoa Kỳ. Với sứ mệnh cách mạng hoá ngành công nghệ thính giác, sản phẩm “SmartEar” xinh đẹp nhỏ gọn tối tân mang trong mình 3 lớp tri thức lõi ‘siêu công nghệ’: thiết bị tự chế tạo, nền tảng phần mềm viết riêng và nền tảng trí tuệ nhân tạo tự xây dựng.
Trong lúc bà say mê kể về những thứ có lẽ không làm cho độc giả của Nữ doanh nhân hứng thú lắm, như bà đã từng là nữ sinh viên độc nhất của khoa trí tuệ nhân tạo (AI), là sinh viên nữ duy nhất của thầy phó hiệu trưởng kiêm hướng dẫn của trường, là CEO khởi nghiệp của công ty toàn nam,… thì chúng tôi quan tâm đến chủ đề muôn thuở của giới nữ: gia đình. Được phép của bà để tìm hiểu về gia đình, chúng tôi càng sững sờ và ngưỡng mộ hơn!
Gia đình bà di cư đến Mỹ năm bà lên 6 tuổi, “gia đình tiến sĩ” gốc Nhật có “bệ phóng tên lửa” là người mẹ, một nữ Tiến sĩ sinh năm 1940 chuyên ngành khó và hiếm gặp: Lịch Sử Xô Viết. Em gái thua bà một tuổi cũng đã là tiến sĩ, theo sát gót chân chị trong những ngành tiên phong ở các trường top của Hoa Kỳ. Cha bà, một người mẹ bà đã chọn để lấy vào cái thời mà hôn nhân sắp đặt là truyền thống và rất phổ biến với người Nhật chính là một tiến sĩ danh dự ngành Khoa học máy tính điện tử.
CÔNG NGHỆ GIÚP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA CẢ HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI
Với bề dày nghiên cứu khoa học kỹ thuật công nghệ cao, bà đã góp phần giúp đỡ những người khiếm thính có thể nghe được. Đáng tiếc cho những người có khuyết tật bẩm sinh hoặc gặp phải về tai, và thính lực là họ bị hạn chế khả năng học hỏi thông qua giao tiếp bằng lời. Chỉ có chưa đầy 30% trong số những người có vấn đề về nghe này được trợ giúp bằng thiết bị. Một trong những trở ngại lớn nhất là sự mặc cảm của họ: việc đeo một thiết bị trợ thính khiến họ thêm mặc cảm với người khác, cộng dồn vào sự mặc cảm sẵn có về những bệnh tật bẩm sinh, hoặc sự suy giảm/ mất đi do tai nạn hoặc tuổi tác. Một thiết bị không dây tối tân nhỏ gọn xinh đẹp có thể giúp giải quyết vấn đề cho nhóm đối tượng “bệnh lý” này. Tuy nhiên định kiến xã hội và những “người ngoài” lại là một thị trường rộng lớn hơn. Bà đưa ví dụ về những người mắc các tật khúc xạ. Để chữa, họ phải đeo kính để giúp nhìn tốt hơn. Hiện nay xã hội nhìn chung không có định kiến nào với người đeo kính, và nhiều người đeo kính vì các lý do khác như thời trang, bảo hộ,… Thiết bị nghe thời trang có thể có tương lai tương tự.
Khía cạnh nhân văn của sản phẩm và giải pháp mở ra một thị trường hoặc một ngành mới hoàn toàn, có thể chưa được gọi tên cụ thể, hơn là một ngành nhỏ sẵn có được mang tên “thiết bị tai nghe thời trang”. Ngành “cách mạng đôi tai” (Revolution the Ears) có tiềm năng giúp cả tỷ trẻ em phòng chống được chứng giảm thính lực do nghe nhạc quá to, bên cạnh chức năng chính là giúp sự kết nối giữa người với người thông qua thiết bị một cách “con người” hơn. Chúng ta sẽ không gõ bằng tay vào máy nữa, mà mọi thứ sẽ được chuyển vào tai nghe thành “âm thanh”. Việc đi lại trong thành phố HCM chẳng hạn, nhờ đó sẽ an toàn hơn, vì bạn không phải dừng lại để kiểm tra màn hình điện thoại xem tin nhắn, mà tin nhắn và mọi thông tin bạn cần sẽ rót vào tai bạn, bất kể bạn dùng ngôn ngữ nào, Tiếng Anh, Tiếng Trung hay kể cả Tiếng Việt. Thiết bị này kỳ vọng hướng đến một tương lai “rảnh tay” (hands off), sẽ không còn những chạm, những vuốt bàn phím và những kỳ cạch gõ mổ cò. Chúng ta sẽ “người” hơn, vì chúng ta trò chuyện bằng ngôn ngữ nói chứ không dùng phương thức viết.
TỪ SỢ ĐẾN YÊU
Quả là kỳ quặc khi phần lớn phụ nữ sợ máy móc thiết bị như thể sợ quái vật! Bà chia sẻ với chúng tôi về nỗi “sợ công nghệ” của nữ giới. Đồng tình rằng trong các trường lớp ngành “công nghệ” thì lượng nam giới áp đảo phái yếu, bà không cho rằng chúng ta sinh ra khác biệt nhau. “Bộ não chúng ta tương đương và gần như nhau, hãy bỏ qua các định kiến về giới tính. Thay vào đó hãy học cách thức để sử dụng tốt nhất não bộ của mình, theo nghiên cứu chúng ta mới dùng được có 5-10% tiềm năng của nó”.
Hãy dũng cảm, hãy kiên cường, và hãy cho mình cơ hội học hỏi. Bà tâm sự về niềm vui thích của mình khi được “rời bỏ” những máy móc và phòng thí nghiệm mà bà vô cùng yêu thích để làm việc kinh doanh: giao tiếp, gặp gỡ những con người. Ngay lập tức bà cảm thấy được tiếp thêm năng lượng, và cảm thấy thực sự “đời sống”, “thiết thực” khi những nghiên cứu của bà được con người sử dụng. Cuộc sống “người và máy” của 20 năm (nghiên cứu- học hỏi- giảng dạy) thành công vang dội nay sang trang “người và người” (tiếp xúc- trao đổi- giải thích- lắng nghe- ứng dụng) có phần nhân văn và nhiều thử thách hơn.
CÔNG NGHỆ CHỈ CÁNH CỬA ĐỂ BƯỚC TỚI HAY BƯỚC VỀ
Chúng tôi chia sẻ niềm vui “được làm việc với con người” cùng bà, và câu hỏi cuối, “Làm thế nào để các nữ doanh nhân không có nền tảng công nghệ có thể nắm bắt, làm chủ và lãnh đạo bằng công nghệ?”
Công nghệ là một tất yếu. Công nghệ chỉ như một cánh cửa. |
Đó dường như không phải là một câu hỏi hay vì bà thấy không có gì mâu thuẫn hay phải giải quyết giữa việc nữ chủ nhân phải dùng công nghệ để cất cánh doanh nghiệp của mình cả. “Công nghệ là một tất yếu. Công nghệ chỉ như một cánh cửa. Tôi đã đi từ bên này của cánh cửa (phía công nghệ) để sang bên kia (phía kinh doanh). Các chị chỉ việc đi từ phía ngược lại. Hãy cứ mở ra cánh cửa và đi tới.”
Nguyễn Thụy Hoàng Yến