GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH VIETJET CẤT CÁNH ĐẾN DANH HIỆU TỶ PHÚ

1581

Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet Air, sắp trở thành nữ tỉ phú tự thân đầu tiên của Đông Nam Á 

ATSUSHI TOMIYAMA, người viết bài của Nikkei 

HÀ NỘI, tháng 3 năm nay Bloomberg đăng một bài báo đại ý khi VietJet Air phát hành đại chúng lần đầu (IPO) sẽ khiến CEO của hãng này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, trở thành nữ tỷ phú đô la tự thân đầu tiên khu vực Đông Nam Á. Hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam hiện chiếm 43% thị phần nội địa vào tháng 6, đánh bại công ty biểu trưng của hàng không nước này, tức Vietnam Airlines. Quả là hiếm gặp một công ty tư nhân giữ thị phần đầu bảng của ngành “truyền thống” trong một quốc gia Cộng Sản nơi các doanh nghiệp nhà nước đang thống trị nền kinh tế.

VietJet được thành lập vào năm 2007 và bắt đầu cung cấp các chuyến bay vào cuối năm 2011. Khả năng tuyệt vời của bà Thảo trong việc nắm bắt các xu hướng trước khi chúng xảy ra là yếu tố lớn đưa đến sự tăng trưởng ấn tượng của hãng hàng không này.

Bà bắt đầu quan tâm đến các ngành vận tải hàng không từ năm 2001, sáu năm trước khi chính phủ mở cửa cho đầu tư tư nhân trong ngành này và một số ngành khác.

Suy nghĩ của Thảo là mặc dù Việt Nam đi sau Malaysia trong phát triển kinh tế, đất nước mình là mảnh đất màu mỡ cho hàng không giá rẻ có được tăng trưởng nóng. Những dữ liệu đưa đến kết luận này là đất nước có một nền giao thông công cộng chưa phát triển, dân số đông đến 90 triệu và một vị trí địa lý trải dài khiến cho nó phù hợp với vận chuyển bằng đường hàng không.

Hơn nữa, cô tin rằng việc bãi bỏ các quy định ràng buộc sẽ sớm đến với ngành công nghiệp hàng không trong nước. Tự tin về tương lai của ngành này, cô bắt đầu nghiên cứu đánh giá tính khả thi của ý tưởng, sau đó tiếp cận với chính phủ về việc tháo dỡ các rào cản pháp lý.

Thảo học được tầm quan trọng của việc tiên đoán tương lai từ năm 1988, khi cô còn học ở Moscow. Vào thời gian đó, Liên Xô đang ở tâm của cuộc đại cải tổ nền chính trị và kinh tế của đất nước. Mặc dù sự hào hứng về cuộc cải cách ngày càng tăng, sự nghèo đói vẫn tràn lan, và người dân thường xuyên ở trong tình trạng thiếu thực phẩm và hàng hóa cơ bản khác. Chứng kiến ​​những sự việc này, Thảo bắt đầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước châu Á với số tiền có được từ bạn bè và người thân.

Sau khi tốt nghiệp đại học ở Moscow, Thảo trở về Việt Nam với 1 triệu đô la kiếm được từ hoạt động nhập khẩu trước đó. Cô dùng số tiền này để mở một công ty. Cô nhanh chóng đa dạng hoá, phân nhánh vào các dịch vụ tài chính, bất động sản và thiết bị sản xuất điện. Lúc này, cô ấy đang cố vươn tay lên đến bầu trời vào ngành hàng không.

KỸ XẢO MANG TÊN BIKINI, Thảo không ngại chiêu trò. Để thu hút khách hàng, VietJet từng cho phi hành đoàn mặc bikini nhảy múa trên máy bay. Video và hình ảnh của màn này được lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội. Các cơ quan chức năng trong nước cuối cùng đã phạt hãng vi phạm các quy định hàng không địa phương.

Giai đoạn đó đặt ra câu hỏi về việc đối xử với phụ nữ trong công ty. VietJet trong thực tế khá cấp tiến đối với việc thực hành các quy chế lao động. Nội quy công ty đảm bảo tỉ lệ nữ quản lý. Ví dụ, công ty yêu cầu hơn 70% vị trí quản lý phi hành đoàn phải là nữ.

“Tôi muốn thấy Việt Nam trở thành đất nước mà phụ nữ được làm việc dễ dàng hơn và đóng một vai trò lớn hơn”, Thảo nói. Cô nhớ lại những khó khăn của một người mẹ có hai con nhỏ và nói rằng đôi khi cô đã phải đưa các con đi công tác cùng.

VietJet có tham vọng mở rộng lãnh địa ra quốc tế. Để hiện thực hoá ý tưởng này, hãng đã đặt hàng 126 máy bay Airbus và 100 máy bay của Boeing. Kết quả là, đội tàu bay của VietJet được dự kiến sẽ tăng trưởng gấp bảy lần về quy mô, đạt đến con số 250 máy bay vào năm 2023.

VietJet phấn đấu đạt được chi phí thấp và chất lượng dịch vụ cao, bà CEO cho biết. Thảo cho biết cô muốn định vị hãng hàng không cao hơn chuẩn mực, ví dụ, cung cấp các đường bay thuận tiện hơn và phục vụ các bữa ăn tuỳ chọn ngon miệng hơn.

Để cấp vốn cho việc mở rộng, hãng có kế hoạch IPO vào cuối năm (2016- ND). Khi Thảo – người được John Leah, COO hãng Airbus mô tả như “một bàn tay sắt bọc trong găng tay nhung”- thực sự trở thành nữ tỷ phú đầu tiên của Đông Nam Á, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam sẽ sẵn sàng tuyên bố vị thế trong thị trường ngành hàng không thế giới.